Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) là tình trạng nhiễm khuẩn hay nhiễm trùng do các tác nhân gây bệnh và truyền từ người này sang người khác qua đường tình dục. Việc phòng tránh STIs là trách nhiệm của mỗi người cũng như của cộng đồng để bảo vệ chính bản thân mỗi người và bảo vệ sự phát triển của xã hội.
Đường lây truyền của STIs
Ngay từ tên gọi, chúng ta đã có thể biết chính xác đường lây chủ yếu của các bệnh này, đó là thông qua quan hệ tình dục, ở cả ba hình thức:
Quan hệ tình dục đường âm đạo: đưa dương vật vào âm đạo
Quan hệ tình dục đường miệng: đưa dương vật vào miệng hoặc dùng miệng để mút bộ phận sinh dục
Quan hệ tình dục đường hậu môn: đưa dương vật vào hậu môn
Ngoài ra, một số bệnh lây qua đường tình dục còn có thể truyền từ người này sang người khác thông qua một số đường khác như: từ mẹ truyền sang con, đường máu….
Tác nhân gây ra các bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm cả ba nhóm: vi rút, vi khuẩn và ký sinh trùng.
Hiện nay, người ta đã tìm thấy khoảng hơn 20 loại bệnh lây qua đường tình dục, như: HIV/AIDS, lậu, giang mai, sùi mào gà, mụn rộp sinh dục, hạ cam, trùng roi âm đạo, nhiễm nấm sinh dục, chlamydia…
Phòng tránh STIs như thế nào là hiệu quả?
Việc hạn chế các hành vi nguy cơ có thể giúp bạn phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Cụ thể:
- Hiểu được tầm quan trọng của việc phòng tránh và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
- Luôn luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, tránh các hoạt động tình dục gây chấn thương như giao hợp đường hậu môn…
- Quan hệ chung thuỷ, một bạn tình, không quan hệ tình dục với gái mại dâm, với nhiều bạn tình hoặc với bạn tình đang mắc STIs.
- Tránh quan hệ tình dục khi đang mắc STIs.
- Phát hiện và điều trị bệnh sớm, triệt để. Khuyến khích bạn tình cùng điều trị.
Làm gì khi nghi ngờ mình hoặc bạn tình mắc STIs?
Khoảng một nửa số người nhiễm STIs không có triệu chứng gì hoặc có triệu chứng không rõ ràng, có thể tự "biến mất" (nhưng không có nghĩa là khỏi bệnh). Chính vì vậy, nếu bạn hoặc bạn tình có bệnh ở cơ quan sinh dục, nếu đã có quan hệ tình dục với một người mà bạn không biết chắc là có bệnh hay không, hoặc nếu cơ quan sinh dục của bạn hoặc bạn tình có biểu hiện khác thường… thì bạn nên nghi ngờ là mắc bệnh.
Đặc biệt là nếu bạn thấy có những dấu hiệu bất thường sau đây:
- Dương vật hay âm đạo có tiết dịch bất thường
- Cơ quan sinh dục ngứa, đau, rát, đỏ, có các nốt, các vết loét
- Tiểu đau hoặc rát, hoặc tiểu nhiều hơn bình thường
Trường hợp này bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu tại các bệnh viện đa khoa Tỉnh/ Thành phố hoặc Viện da liễu. Đây là những cơ sở y tế có điều kiện xét nghiệm tốt, cán bộ y tế có trình độ, do đó việc chẩn đoán và điều trị bệnh chính xác. Bạn tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về điều trị lấy, vì có thể triệu chứng giống nhau nhưng không có nghĩa là mắc cùng một bệnh, do đó nếu không dùng thuốc đúng bệnh có thể nặng hơn hoặc dẫn đến hiện tượng "nhờn thuốc", khiến cho bệnh trở nên không chữa được. Khi được bác sỹ chẩn đoán và điều trị, bạn cũng cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ, dùng đúng liều, đúng thời gian và đi khám lại theo đúng hẹn.
Đồng thời, một trong những yếu tố giúp cho việc điều trị các bệnh STIs hiệu quả là điều trị cả bạn tình. Do đó, việc trao đổi và khuyến khích bạn tình tham gia khám và điều trị là rất cần thiết, tránh để tình trạng bệnh lây đi lây lại, khó chữa.
Thông tin liên quan :
1 - Bệnh Lậu
2 - Bệnh Giang Mai
3 - Bệnh Bệnh Hạ cam
4 - Bệnh viêm gan siêu vi B
5 - Bệnh mụn rộp sinh dục
6 - Bệnh Trùng roi âm đạo