Phun Cloramin B chỉ có tác dụng phòng cúm A/H1N1 trong thời gian ngắn, cần kết hợp với các biện pháp phòng dịch khác.
Theo TS Nguyễn Việt Hùng - Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai, Cloramin B là dung dịch chứa các phân tử clo, có tác dụng diệt khuẩn, nhưng chỉ có tác dụng vài giờ sau khi phun. Đó là bởi vì clo dễ phân hủy dưới ánh nắng mặt trời (ánh sáng, nhiệt độ), nên sau vài giờ sẽ bay hơi, giải phóng khí clo. Vì thế, phun Cloramin B cần kết hợp với các biện pháp phòng dịch khác.
Trường hợp chưa có điều kiện phun Cloramin B, có thể lau bề mặt, vệ sinh phòng bằng xà phòng và các dung dịch tẩy rửa khác. Vấn đề là cần giữ phòng sạch sẽ, thoáng khí, nhiều ánh sáng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc cồn…
Ở những nơi phun Cloramin B, cần đề phòng ôxy hóa dẫn đến hỏng hóc một số đồ vật bằng kim loại. Nên tạm lánh khỏi nơi có phun Cloramin B để tránh hít phải khí clo, bởi đây là chất độc hại, có thể gây viêm, ho, viêm kết mạc, khí quản.
Vi khuẩn, virus sẽ chết dưới ánh sáng mặt trời, kể cả khi không phun bất cứ dung dịch nào. Vì vậy, vấn đề ánh sáng mặt trời, phòng ốc thoáng khí là yêu cầu cần thiết để diệt vi khuẩn, virus. Tại một số cơ quan, trong thời điểm bùng phát dịch như hiện nay cần để các chậu dung dịch Cloramin B để nhân viên rửa tay trước khi vào phòng.
Cần lưu ý: chỉ sau vài giờ, clo sẽ bay hơi và đây chỉ còn là chậu nước bẩn. Phương pháp phòng dịch theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới vẫn là phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn.
Tại các bệnh viện, nhân viên y tế hay đặt các thảm chùi chân có tẩm dung dịch Cloramin B. Các thảm này do nhiều người đi qua, ánh sáng mặt trời chiếu vào nên clo cũng hết tác dụng nếu không thay thảm thường xuyên sau vài tiếng. Cách phòng dịch tốt hơn là để các đôi dép sạch để người đi vào phòng thay dép.