Theo quy định của Bộ GD-ĐT, bắt đầu từ 1/8 các địa phương có thể tổ chức cho học sinh tựu trường. Nhưng vào đúng thời điểm này, dịch cúm A/H1N1 có biểu hiện lan rộng, xuất hiện trong các trường học gây hoang mang cho HS, phụ huynh.
Ông Phùng Khắc Bình - Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh - Sinh viên, tổ trưởng tổ công tác đặc biệt phòng chống đại dịch cúm của Bộ GD&ĐT - khẳng định: Bộ đã yêu cầu cơ sở giáo dục các cấp phải khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo công tác y tế trường học.
Ban chỉ đạo các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở vệ sinh môi trường học đường, củng cố trạm, phòng y tế của các nhà trường, xây dựng phương án cách ly và giải quyết những tình huống khi phát hiện có trường hợp học sinh, cán bộ, giáo viên có biểu hiện dương tính với cúm A/H1N1.
Các nhà trường phải tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh những biện pháp phòng chống cúm, không hoang mang và bình tĩnh xử lý tình huống phát sinh cúm theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Các trường phải chuẩn bị đủ điều kiện về nước sạch, xà phòng, đảm bảo vệ sinh thường xuyên trường lớp, căngtin, nhà ăn, khu công trình phụ, các vật dụng thường xuyên có tiếp xúc như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn học...
Bước vào năm học mới, theo ông, cần tiếp tục áp dụng những biện pháp chủ yếu nào nhằm ngăn chặn khả năng lây lan dịch đối với hàng loạt học sinh?
Việc đầu tiên mà các cơ sở giáo dục bắt buộc phải làm trong ngày tựu trường là thông báo cho toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên về dịch cúm, cách phòng chống dịch.
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục có nội trú, bán trú, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp - nơi có học sinh, sinh viên đến từ nhiều vùng khác nhau. Đồng thời, yêu cầu học sinh, sinh viên có biểu hiện giống cúm hoặc đến từ vùng có cúm phải thông báo rõ thực trạng để theo dõi.
Tại lễ khai giảng năm học mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải có phần thông tin về dịch cúm, phổ biến hoặc phát tờ rơi cho học sinh, sinh viên biết thông tin về đại dịch này, nhằm bảo vệ bản thân, góp phần bảo vệ cộng đồng.
Qua việc phòng chống dịch cúm A/H1N1, Bộ GD&ĐT hướng tới việc giáo dục học sinh ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng, năng lực ứng phó với những tình huống phát sinh có hại.
Ông Phùng Khắc Bình. Ảnh: Tuổi Trẻ
Trong thời gian diễn ra năm học, Ban chỉ đạo công tác y tế tại các trường học cần nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm thực hiện nghiêm túc việc ghi nhận, theo dõi vào đầu giờ học những em có biểu hiện cúm, hướng dẫn những học sinh có nghi ngờ đo thân nhiệt tại phòng y tế của trường, hoặc xét nghiệm khi cần thiết nhằm loại trừ trường hợp bị cúm.
Vậy trong trường hợp nào thì cần đóng cửa trường? Các trường sẽ thực hiện kế hoạch năm học và tổ chức dạy bù cho những học sinh phải nghỉ học kéo dài vì dịch cúm như thế nào?
Việc đóng cửa trường học được tiến hành khi dịch lan rộng và có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Việc này không thực hiện theo quy định máy móc là có đông học sinh nhiễm cúm mới đóng cửa, mà tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm trên cơ sở khuyến cáo của cơ quan y tế địa phương.
Trong trường hợp đóng cửa trường, Ban chỉ đạo công tác y tế trường học vẫn phải giữ liên lạc với cán bộ, giáo viên, học sinh để tiếp tục theo dõi, giám sát dịch, đồng thời tổ chức di chuyển cán bộ, giáo viên, học sinh theo hướng dẫn của cơ quan y tế để tránh việc lây lan dịch ra cộng đồng.
Trường học chỉ được mở trở lại khi đảm bảo an toàn, được vệ sinh môi trường và chỉ những giáo viên, học sinh không có triệu chứng cúm mới được đến trường. Những người có biểu hiện cúm vẫn phải tiếp tục cách ly, theo dõi.
Các trường tùy theo diễn biến cụ thể của dịch cúm, sau khi mở cửa trở lại sẽ phải khắc phục nề nếp giảng dạy và có giải pháp nhằm đảm bảo kế hoạch năm học.
Những học sinh phải nghỉ học kéo dài do bị cúm, hoặc nghi ngờ bị cúm sẽ được đối xử như những trường hợp em bị ốm, tai nạn, gặp rủi ro do thiên tai... và các trường phải có trách nhiệm tổ chức dạy học bù, bổ sung kiến thức, hỗ trợ các em về mọi mặt để có thể khắc phục khó khăn, tiếp thu kiến thức.
Nếu chỉ chống dịch trên giấy, khó có năm học mới an toàn
Ông Trịnh Quân Huấn:
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho rằng, ngành y tế đã hoàn tất phần việc của mình phòng chống cúm A/H1N1 trước năm học mới.
Ông Huấn nói: Chúng tôi đã có hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ của trường học, của ngành y tế, đăng tải trên tất cả các trang web của ngành giáo dục, ngành y tế.
Việc đóng cửa trường học tùy theo tình hình dịch xảy ra, khi có học sinh trong lớp mắc cúm A/H1N1 và có tiếp xúc tại lớp, sẽ cách ly toàn bộ học sinh trong lớp, khi có dịch trong trường thì thành lập bệnh viện dã chiến. Mở cửa trường học trở lại phụ thuộc vào tình hình dập dịch.
Thưa ông, với khối trường học ở đô thị, có tổ chức bán trú, việc đóng, mở cửa trường sẽ kéo theo nguy cơ rối loạn xã hội do cha mẹ phải nghỉ làm để đưa đón hoặc trông con. Ngành y tế có kế hoạch gì riêng với nhóm này?
Các trường học có tổ chức bán trú nên vệ sinh ít nhất hai lần/tuần. Môi trường ở trường học liên tục thay đổi do lượng người ra vào trường lớn, nếu có học sinh mắc bệnh sẽ lây lan nhanh hơn.
Tôi cho rằng, các trường phải dán poster khuyến cáo 10 điểm phòng chống dịch (đã ban hành ngày 31/7) ở tất cả khu vực học sinh hay ra vào. Nhà trường có đặc thù là sáng đầu tuần có chào cờ, mỗi sáng có sinh hoạt lớp, lúc đó lớp trưởng và giáo viên chủ nhiệm cần hỏi thăm sức khỏe học sinh để phát hiện sớm, cách ly, điều trị ngay.
Các trường cũng nên phát chất sát khuẩn để các cháu vệ sinh mặt bàn, ghế, đồ dùng học tập... vì virus H1N1 có khả năng bám dính rất cao trên các bề mặt này.
Ông cho rằng, đến thời điểm này, những chuẩn bị của ngành y tế, giáo dục đã sẵn sàng để năm học mới bắt đầu an toàn, vì thực tế từ hôm nay, 3/8, rất nhiều trường học tựu trường?
Đánh giá an toàn hoặc làm tốt hay chưa thì tôi chưa dám nói, vì tôi chưa trực tiếp đi kiểm tra. Nhưng, tôi đề nghị ngành giáo dục tổ chức cho sở GD-ĐT 63 tỉnh thành đi kiểm tra các trường đã thực hiện đúng hướng dẫn hay chưa, đã có ban chỉ đạo chống dịch và thực hiện các phương án phòng dịch hay chưa, có văn bản thành lập ban chỉ đạo chống dịch hay mới tổ chức ban chỉ đạo bằng miệng!
Thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 có triệu chứng nhẹ, không sốt, chỉ chảy nước mũi một chút, các cháu không biết là ốm, bệnh, nhất là các cháu tiểu học, mẫu giáo, cả các cháu, gia đình và nhà trường sẽ coi đó là bình thường.
Vì thế, tôi vẫn nhấn mạnh các biện pháp thăm hỏi sức khỏe các cháu hằng ngày để phát hiện sớm. Các hoạt động chống dịch khác cũng phải làm thật mạnh, nếu chỉ chống dịch trên giấy rất khó có năm học mới an toàn với cúm A/H1N1.
Với các trường học đã có học sinh mắc bệnh, ông thấy có an toàn nếu mở cửa lại đón năm học mới đúng dịp này?
Thời gian ủ bệnh của virus cúm A/H1N1 là từ một đến bảy ngày, nếu quá bảy ngày mà không có người mắc mới có liên quan, thì coi như an toàn. Nhóm học sinh Trường THPT Ngô Thời Nhiệm và Nguyễn Khuyến, TP.HCM về nghỉ hè ở các địa phương cũng đã được theo dõi, giám sát, ngăn chặn lây lan tiếp.
Năm yêu cầu về phòng cúm
* Ông Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Sở GD-ĐT TP.HCM xác định năm yêu cầu về việc phòng chống cúm A/H1N1, nếu trường nào không làm tốt, thì không được khai giảng.
Năm yêu cầu là: thành lập ban tổ chức - chỉ đạo phòng chống cúm A/H1N1 do hiệu trưởng nhà trường làm trưởng ban; tập huấn cho giáo viên, học sinh nắm rõ về tính chất của căn bệnh, trong đó nhấn mạnh việc tự bảo vệ, phòng chống của từng cá nhân; vệ sinh môi trường, diệt khuẩn tất cả đồ dùng giảng dạy - học tập; thường xuyên theo dõi, động viên, nhắc nhở giáo viên và học sinh phòng chống cúm A/H1N1; khi phát hiện một cá nhân nào đó nhiễm bệnh phải cách ly ngay và báo với cơ sở y tế.
Dừng bán trú là đương nhiên, nếu dịch bùng phát
* Ông Nguyễn Hiệp Thồng - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội: Hà Nội dự kiến sẽ tựu trường vào ngày 17/8. Nếu Hà Nội khống chế được dịch cúm thì ngày tựu trường vẫn được triển khai đúng lịch và tổ chức lễ khai giảng - ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường bình thường.
Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh tiếp tục lan rộng, chúng tôi sẽ căn cứ vào ý kiến của Bộ GD-ĐT và cơ quan y tế để quyết định lùi ngày tựu trường, khả năng không tổ chức lễ khai trường cũng có thể phải làm. Vì nếu dịch lan rộng, việc tập trung đông học sinh rất nguy hiểm, nhất là đối với học sinh bậc học thấp có sức đề kháng yếu.
Nếu dịch lan rộng, việc ngừng tổ chức cho học sinh bán trú, nội trú là đương nhiên. Chắc chắn, khi đó, nhà trường, phụ huynh sẽ phải khắc phục những khó khăn trong việc tạm chuyển dạy hai buổi sang một buổi, vì việc chống dịch quan trọng hơn các mục tiêu khác.
Còn khi ta khống chế được các vùng dịch, nếu được cơ quan y tế cho phép, có thể tổ chức bán trú trở lại trong điều kiện cảnh giác cao hơn với dịch cúm.
Thành lập ban chỉ đạo phòng chống cúm tại các trường
* Ông Huỳnh Văn Hoa - Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng: Sở đã có quyết định thành lập ban chỉ đạo cùng phương án, kế hoạch phòng chống cúm A/H1N1 đến tất cả trường học công lập, từ mầm non đến THPT, cơ sở giáo dục thường xuyên. Ngày 5/8 là hạn chót các trường thành lập ban chỉ đạo do thành viên ban giám hiệu làm trưởng ban.
Sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng GD-ĐT quận, huyện tập trung triển khai phòng chống cúm A/H1N1 với các cơ sở ngoài công lập, xem đây là nhiệm vụ bắt buộc. Tổ chức tập huấn các công tác phòng chống cúm A/H1N1 cho chủ các nhóm trẻ, mẫu giáo gia đình trên địa bàn.
Những lớp học do giáo viên tổ chức bán trú tại nhà, các giáo viên phải được học tập việc phát hiện, phương án phòng chống cúm A/H1N1 cho học sinh.
Các giáo viên được phòng GD-ĐT, nhà trường cho phép tổ chức dạy thêm ở nhà, các cơ sở dạy thêm sẽ được phổ biến công tác phòng chống cúm A/H1N1 do các phòng GD-ĐT tổ chức.