Cúm A(H1N1) điều trị hiệu quả nhất là sau 24 giờ người bệnh phát hiện có những biểu hiện ban đầu của cúm. Bởi vậy, mỗi người cần biết các dấu hiệu nhận biết và cách phòng chống cúm. Nhận biết cúm A(H1N1)
Cúm A(H1N1) đang là căn bệnh nguy hiểm đe dọa nghiêm trọng trên toàn thế giới. Theo báo cáo của WHO, đại dịch đã lây lan khắp toàn cầu, ảnh hưởng tới 160 quốc gia, cướp đi mạng sống của 800 người. Ở nước ta, cúm A(H1N1) đã tăng nhanh từng ngày và bắt đầu có biểu hiện lây lan ra cộng đồng, nhất là ở khu vực TP HCM. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ lây nhiễm cúm nếu tiếp xúc gần với nguồn bệnh mà không có biện pháp bảo vệ do bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp từ người này sang người khác hoặc qua tay tiếp xúc với các đồ vật, dụng cụ có dính virus, sau đó đưa tay lên miệng, lên mũi. Những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh cao là những người sống hoặc đến từ vùng có dịch cúm lợn A (H1N1), tiếp xúc gần với người bệnh.
Thời kỳ ủ bệnh của cúm A(H1N1) kéo dài 2-7 ngày và thời gian lây truyền là một ngày trước khi có dấu hiệu bệnh và kéo dài đến bảy ngày sau khi phát bệnh.
Các biểu hiện cúm có thể nhận biết như: sốt, ho khan hoặc có đờm, sổ mũi, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và buồn nôn hoặc nôn, kèm theo tiêu chảy. Nặng hơn, bệnh gây ra viêm phổi nặng có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Cũng có trường hợp không có những biểu hiện trên. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm chuyên môn, những người bị cúm A/H1N1 có thân nhiệt tăng rất nhanh, chỉ cần 1 vài tiếng là từ thân nhiệt có thể lên tới trên 38oC.
Điều trị cúm A(H1N1)
Cho đến nay, thuốc Tamiflu vẫn là loại chống cúm hiệu quả nhất ở các nước trên thế giới và cả ở Việt Nam. Tuy nhiên, những người nhiễm bệnh ở tình trạng nhẹ không cần thiết phải uống Tamiflu. Sử dụng Tamiflu phải có chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý dùng thuốc bừa bãi rất dễ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Điều trị hiệu quả nhất là sau 24 giờ phát hiện có biểu hiện cúm.
Với người đã bị lây nhiễm, phải thực hiện ngay cách ly với cộng đồng.
Phòng chống cúm A(H1N1)
Trong bối cảnh diễn biến cúm rất phức tạp, mỗi người đều cần tự phòng tránh cúm. Các biện pháp phòng chống cúm luôn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo hàng đầu tới người dân.
Với những người dân trong vùng dịch, để phòng ngừa cho chính mình và cộng đồng, phải:
- Thường xuyên đeo khẩu trang, tăng cường vệ sinh cá nhân như: rửa tay, sát khuẩn mũi, họng, mắt bằng các nước sát khuẩn. Dung dịch nước tỏi cũng là một biện pháp sát khuẩn tốt.
- Tránh tối đa đưa tay lên miệng, mắt mũi.
- Khi ho, hắt hơi phải lây khăn che mũi, miệng
- Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra, tránh tiếp xúc gần với những người không khỏe và những người bị sốt, ho. Hạn chế các chuyến du lịch đến các vùng dịch.
- Tăng cường ăn các loại thực phẩm có khả năng nâng cao sức đề kháng phòng chống cúm cho cơ thể như: tỏi, sữa chua, cá và các loại sò, thịt bò, cá, khoai lang, trà, yến mạch.
- Nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng, đau đầu…phải báo cho cơ quan y tế nơi lưu trú để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời theo đúng quy định của ngành y tế.
BACSI.com (Theo aFamily)