Lúc này, giải pháp tốt nhất là cách ly tại gia đình và tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện y tế. Ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý khám và chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết:
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi đại dịch cúm A/H1N1 kéo dài, tỷ lệ người nhiễm có thể đến 30% dân số thế giới (khoảng hai tỷ người), 0,2% dân số sẽ tử vong (khoảng bốn triệu người). Áp dụng với Việt Nam, nếu 30% dân số mắc và tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất (khoảng 0,2%) thì số tử vong vẫn có thể lên đến 50.000-60.000 người.
Ngay khi phát hiện có một trường hợp dương tính hoặc nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1, cần phun thuốc khử trùng cả tòa nhà và cách ly những người đã tiếp xúc với bệnh nhân. Tuy nhiên, cách ly hàng chục, thậm chí là hàng trăm người như vậy sẽ làm đình trệ hoạt động xã hội. Vì vậy, cách “sống chung” với dịch bệnh duy nhất hiện nay là mỗi người hãy đeo khẩu trang liên tục, ở bất cứ đâu, không tụ tập nơi đông người và luôn rửa tay sạch sẽ. Chỉ cần có một trong các triệu chứng giống bệnh cúm là phải đi khám ở cơ sở y tế gần nhất.
Cúm A/H1N1, điểm xuất phát từ các nước có nền kinh tế và y tế phát triển (như Mỹ, Úc, Canada...) nhưng tại đó vẫn có nhiều người chết vì dịch bệnh này. Trong khi tại Việt Nam, sau ba tháng với gần 700 người được xác định dương tính, hiện chưa có tử vong. Đó là nhờ việc chỉ đạo phòng chống dịch bệnh từ trung ương đến địa phương đã kịp thời. Ngoài ra, cũng có thể Việt Nam đã khá quen chống với nhiều dịch bệnh nguy hiểm như dịch Sars, dịch cúm A/H5N1, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có phẩy khuẩn tả... Ý thức của cộng đồng rất cao cũng có ảnh hưởng đến việc ngăn chặn dịch bệnh, không để tử vong.
Dịch bệnh đã lan trong cộng đồng nên cần phải áp dụng cả hai phương pháp cách ly tập trung và không tập trung. Việc ngành y tế TP.HCM quyết định cho học sinh Trường Nguyễn Khuyến và Ngô Thời Nhiệm về quê, các tỉnh sẽ giám sát cũng không sai. Thậm chí khi dịch bệnh đã bung lớn như hiện nay thì việc cách ly tại nhà là cần thiết. Lúc này, điều trị tại gia đình với việc tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện y tế là giải pháp tốt hơn cả.
Cán bộ y tế địa phương phải đảm bảo hướng dẫn cho người có liên quan, tiếp xúc với ca nhiễm biết những triệu chứng ban đầu về cúm, sau đó cơ quan y tế địa phương sẽ theo dõi và tư vấn tiếp tục. Sau bảy ngày mà không có dấu hiệu gì thì xem như hết thời gian theo dõi, giám sát cách ly. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ thì sau thời gian trên vẫn có khả năng mắc bệnh.
Để giải quyết tình trạng quá tải, Bộ Y tế đã chỉ định 126 bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh tham gia điều trị cúm A/H1N1. Khi cần sẽ huy động các bệnh viện huyện và sử dụng các cơ sở trường học, doanh trại bộ đội làm bệnh viện dã chiến.
BACSI.com (Theo GD)