Chủ nhật
19-05-2024
22:13
Chào mừng bạn, Tham dự viên
RSS
 
Chào mừng đến với Ánh Ban Mai Club
Trang chủ Đăng ký Đăng nhập
Tục Cắt Bỏ “Bông Hồng” Hay Nỗi Đau Thầm Lặng Của Phụ Nữ ? - Diễn Đàn »
[ Bài viết mới · Thành viên · Qui định diễn đàn · Tìm kiếm · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Forum moderator: anidethuong, Sammy  
Diễn Đàn » Tuyên Truyền Viên Đồng Đẳng » Lưu trữ thông tin » Tục Cắt Bỏ “Bông Hồng” Hay Nỗi Đau Thầm Lặng Của Phụ Nữ ? (1 Tập tục lâu đời man rợ ở Châu Phi)
Tục Cắt Bỏ “Bông Hồng” Hay Nỗi Đau Thầm Lặng Của Phụ Nữ ?
LongBeauty Ngày: Thứ năm, 16-10-2008, 16:52 | Message # 1
Nhóm: Ban Điều Hành CLB
Bài viết: 8
Hiện trạng: Offline
Tục Cắt Bỏ “Bông Hồng” Hay Nỗi Đau Thầm Lặng Của Người Phụ Nữ Phi Châu

» Tác giả: Phạm Phong Dinh
» Dịch giả:
» Thể lọai: Biên khảo

1. Tục Cắt Bỏ “Bông Hồng” Hay Nỗi Đau Thầm Lặng Của Người Phụ Nữ Phi Châu

Nhân loại đã bước sang năm thứ ba của thế kỷ thứ 21 hay thiên niên kỷ thứ 3 kể từ ngày Chúa Giáng Sinh, khoa học kỹ thuật tiến như vũ bão, y khoa và dược phẩm không ngừng được cải thiện, tuổi thọ con người ngày càng kéo dài hơn lên, đời sống con người trở nên có ý nghĩa hơn và nhiều thụ hưởng hơn. Thế nhưng ở lục địa Phi Châu, ở những góc xa xôi hẻo lánh nhất của trái đất vẫn hãy còn có quá nhiều nỗi đau khổ. Vì những cuộc chiến tranh chủng tộc, những tham vọng quyền lực, thiên tai, hạn hán, đói nghèo, sự hoành hành của nhiều chứng bệnh kinh khiếp, trong đó bệnh AIDS đang giết dần mòn hàng chục triệu người phụ nữ và trẻ em vô tội. Bên cạnh những nỗi đau khổ triền miên đó, người phụ nữ và các trẻ em gái Phi Châu từ hàng ngàn năm nay đã mang mễn một niềm đau thầm lặng khác từ tận đáy thẳm sâu kín nhất trong trái tim rỉ máu, không biết tỏ cùng ai và không biết kêu cứu vào đâu. Một nỗi đau kinh khiếp với đầy đủ nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đau từ thể xác cho đến tâm hồn. Cho mãi đến những năm 1990, khi những làn sóng người Somalia được các nước giàu trên thế giới tiếp nhận cho định cư vì cuộc chiến tranh xâu xé, vì tình trạng hỗn loạn sứ quân và vô chính phủ ở đất nước xa lạ đó. Và khi người phụ nữ Somalia đầu tiên được chở vào khu sản khoa bệnh viện Mount Sinai Hospital, Toronto, Canada, các bác sĩ sản khoa đã kinh hoàng khám phá ra một sự thật ghê gớm mà đã được chôn kín từ hàng ngàn năm nay vì sự ràng buộc của truyền thống văn hóa và những niềm tin kỳ dị.

Nữ bác sĩ Sandy Fraser nhớ lại lần đầu tiên một phụ nữ Somalia được đưa vào khám sản khoa, người bác sĩ đồng nghiệp phụ trách khám cho người đàn bà với nét mặt nghiêm trọng đã kéo Sandy ra một góc phòng nói nhỏ: “Thật kỳ lạ và kinh khủng. Tôi đã khám đường âm đạo của cô gái này một cách tỉ mỉ và nhận thấy âm đạo của cô ta dường như đã bị may kín, chỉ chừa lại một khe hở rất nhỏ, nhỏ đến nỗi chỉ vừa đủ cho một cái ngoáy tai Q-Tip!”. Cả hai vị bác sĩ thoạt đầu nghĩ rằng có lẽ cô gái bị phỏng vùng hạ bộ và đường âm đạo bị đóng thẹo. Bán tín bán nghi, họ dở lại tất cả những báo cáo y khoa có liên quan đến những phụ nữ Somalia và Phi Châu từ những nguồn khác nhau và từ những nước đang có người Phi Châu định cư như Mỹ, Pháp, Canada cùng nhiều nước khác nữa. Một số báo cáo của báo chí Hoa Kỳ gần đây đã khám phá rằng nhiều người đàn bà Somalia đã đưa con gái của họ sang Toronto, thành phố nổi tiếng nhân đạo và dung chứa nhiều sắc dân định cư nhất, để thực hiện một cách lén lút một loại phẫu thuật nguy hiểm lên chính những đứa con gái của họ. Như chính họ đã từng được hay bị cha mẹ họ hành sử y hệt như vậy, khi họ còn là những em bé gái hay thiếu nữ chưa chồng. Đó là loại phẫu thuật đơn giản nhưng nguy hiểm vì thiếu vệ sinh, vì nó không được thực hiện trong bệnh viện, phẫu thuật cắt bỏ âm vật (clitoris) của người phụ nữ, mà đã được y khoa định danh là phẫu thuật FGM, viết tắt từ nhóm chữ Female Genital Mutilation (Sự cắt bỏ âm vật).

Đối với phái nam, người ta từng biết người Do Thái và một số dân tộc có tục cắt bỏ da qui đầu của những em bé trai trong độ tuổi sơ sanh cho đến dưới 10 tuổi, danh từ y khoa gọi là Male Circumcision. Sự cắt bỏ mảnh da thừa bao quanh dương vật của các bé trai ngày nay đã được xác định là một điều hợp lý và không nguy hiểm, vì nó giúp loại bỏ những cặn dơ ẩn trú phía trong da và giúp tinh dịch người đàn ông thoát ra ngoài dễ dàng hơn. Trong một tập thể lớn như quân trường chẳng hạn, mỗi lần các tân binh cùng tắm tồng ngồng tập thể sau những buổi hành quân dã trại mệt nhọc, đấng nào mạnh khỏe tự nhiên, đấng nào đã cắt và đấng nào chưa bị cắt da qui đầu hiện rõ mồn một. Các sinh viên sĩ quan Thủ Đức hay Đà Lạt có lẽ có nhiều kinh nghiệm “thị giác” về vấn đề này. Nhưng trong trường hợp người đàn bà Phi Châu, thì không ai có thể biết được, trừ khi vị bác sĩ khám họ hoặc do chính họ nói ra. Nhưng hầu như 100% người đàn bà Phi Châu không bao giờ hé một lời về nỗi đau thầm kín của họ, hơn thế nữa họ còn chuyển nỗi đau đó sang cho những đứa con gái của mình. Chuỗi mắt xích đó sẽ kéo dài đến vô cùng tận, nếu nền y khoa tiến bộ thế giới không can thiệp và chính những dân tộc Phi Châu thừa nhận tệ FGM là một hủ tục cần phải chấm dứt.

Tuy nhiên giới y khoa Canada, xứ sở của hạnh phúc và hòa bình, nơi đang xảy ra nhiều vụ FGM, đã vấp phải sự bất hợp tác và sự câm nín khó hiểu của cộng đồng người Somalia, khi họ thuyết phục các bà mẹ đừng bao giờ làm FGM cho con gái họ nữa. Một số quan niệm bảo thủ trong cộng đồng người Somalia ở Toronto cho rằng họ hành động như vậy là vì tình yêu đối với con cái họ. Nhiều người viện dẫn rằng FGM không phải chỉ có ở Somalia mà hầu như ở khắp Phi Châu, nhiều nhất ở vùng Đông Phi và Tây Phi, ở những nước Ả Rập và cả ở những sắc dân thượng Úc Châu. Những nạn nhân của tệ FGM được rải ra đồng đều cho những cô gái Thiên Chúa Giáo lẫn Hồi Giáo và được đặt cho một cái tên mỹ miều đẹp như thơ là “Cắt Bỏ Bông Hồng”. Là bởi vì theo truyền thống và theo niềm tin khởi thủy từ 3000 năm qua của người Phi Châu, một khi người con gái được cắt bỏ đóa hoa hồng ấy đi, thì chính cô sẽ đẹp và trong sạch như đóa hoa hồng, cô sẽ sống hạnh phúc với chồng, vì cô đẹp và chồng cô sẽ mê say cô tới...già. Không chịu cắt bông hồng thì cô gái sẽ không bao giờ lấy được chồng. Theo thống kê của các tổ chức y tế thì hiện nay có khoảng chừng từ 100 cho đến 130 triệu phụ nữ Phi Châu đã bị cha mẹ làm FGM và hiện có chừng 2 triệu trẻ em gái khác đang tiến hành thủ thuật FGM mỗi năm.

Tùy theo thủ thuật của từng dân tộc một, người ta có thể chia ra ba dạng phẫu thuật FGM như sau và được thực hiện ở những em bé gái từ 3 cho đến chậm nhất l0 tuổi, cũng có những trường hợp chậm hơn. Dạng thứ nhất, tương đối ít nguy hiểm hơn cả, người con gái chỉ bị cắt bỏ mảnh da che âm vật. Dạng thứ hai, khá nguy hiểm nếu dụng cụ cắt không được sát trùng cẩn thận. Nhưng khổ nỗi, vì là loại phẫu thuật bất hợp pháp, nên các phẫu thuật viên, thông thường là các bà sồn sồn chẳng có một chút khái niệm gì về cơ thể học và vệ sinh y khoa, nhiều khi chỉ cần một cái lưỡi lam cũ hay rùng rợn hơn, một con dao nhà bếp, là đã có thể thực hiện vụ “thiến”. Dạng thứ hai này, toàn bộ âm vật (clitoris) sẽ bị cắt bỏ. Clitoris ở người đàn bà có nhiều dây thần kinh cảm giác, giúp người đàn bà cảm nhận và tận hưởng khoái cảm khi ân ái với người đàn ông. Như vậy sự cắt bỏ Clitoris của người đàn bà chẳng khác nào cắt mất của người đàn ông cái của quí và triệt mất nguồn cảm khoái tột đỉnh (orgasm) của người phụ nữ. Dạng FGM thứ ba còn ghê rợn và tàn nhẫn hơn. Người ta sẽ cắt bỏ âm vật, túm hai mép âm đạo may dính liền lại với nhau và chỉ chừa một lỗ chỉ nhỏ bằng hạt đậu Hòa Lan ở phía dưới gần hậu môn. Ở những làng mạc hẻo lánh không có chợ búa hay hàng quán, những bà lang băm này dùng chỉ rút từ vải áo và dùng gai nhọn làm kim. Để đề phòng những em gái nhỏ hay những cô gái trẻ cựa quậy và làm hỏng FGM, người ta còn cẩn thận bó chân của các cô dính liền nhau lại cho tới 40 ngày, để chắc chắn rằng vết thương đã liền sẹo. Mục đích và cái “cứu cánh” của loại FGM kinh tởm này là để phục vụ cho niềm khoái lạc của người đàn ông. Người đàn ông Ả Rập, Phi Châu, các sắc dân thượng ỏ Úc, mà cũng có lẽ của tất cả các đấng đàn ông trên cõi ta bà ô trược này là, hễ càng nhỏ hẹp thì càng thích thú. Nhưng trường hợp của các cô gái Phi Châu thì sự thu hẹp lối âm đạo một cách nhân tạo và quá đáng, chính là một khổ hình, là một sự áp bức và ngược đãi. Cô giáo Joan Siver dạy ở một trường ngoại ô cùng làm việc với cô Kowser Omer-Hashi, nhân viên cố vấn sản khoa tại Toronto Birth Control Centre, đã nhận thấy nhiều em gái Somalia mỗi lần đi tiểu phải mất đến 20 phút, những lần kinh nguyệt, máu bị nghẽn trong âm đạo không ra được.

Năm 1994, các tổ chức y tế như Canadian Medical Association (Hiệp Hội Y Khoa Canada), American Academy of Pediatrics (Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ) đã gửi những báo cáo về FGM đến World Heath Association (Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới) đòi tổ chức này phải lên án FGM như là một hủ tục, một tệ nạn, một loại bạo lực chống lại nhân quyền và sự toàn vẹn cơ thể con người. Điều khó khăn mà World Heath Association vấp phải là chính những cô gái bị cắt Clitoris không chịu hợp tác làm nhân chứng và không bao giờ chịu hé răng nói về việc này. Nói về những chuyện có liên quan đến tính dục và sinh lý là điều tối kỵ của người phụ nữ Phi Châu. Bác sĩ Rosana Pellizzari làm việc tại Davenport Perth Community Heath Centre cho biết thậm chí nhiều cô gái Phi Châu cho rằng, nếu không may đường âm đạo nhỏ lại, thì nhiều thứ bên trong âm đạo sẽ...rớt xuống đất! Báo cáo chính thức của cơ quan y tế Women’s Heath In Women’s Hand nằm ở khu downtown Toronto cho là không có bằng chứng nào đang có những vụ FGM đang xảy ra ở Toronto. Nhưng mà ai biết được điều gì đang xảy ra ở dưới những tầng hầm tăm tối, trong những khu chúng cư người Phi Châu nào đó. Ở Pháp, trong năm 1998, đã có những vụ xử những bà Somalia bỏ tiền ra mua vé máy bay mướn những mụ lang băm từ tận bên Somalia qua Pháp để làm những cú FGM, dĩ nhiên là bất hợp pháp. Một xứ nhân quyền đầy mình như Pháp nào đâu chịu chấp nhận những vụ “thiến” người rùng rợn như thế này. Các đấng nhân quyền Canada và Mỹ nghĩ rằng, nếu bên Pháp có thì chắc chắn bên này cũng có những vụ FGM lậu. Bác sĩ Peggy Robertson của Children’s Aid Society of Toronto (Tổ Chức Giúp Đỡ Trẻ Em toronto) còn khám phá ra rằng, các bà mẹ Phi Châu ngày càng thuê người làm FGM ở những em gái thật nhỏ tuổi, thậm chí chưa biết nói, để khi các em đủ tuổi đến trường, cô giáo có khám phá ra thì sự cũng đã rồi. Bác sĩ Peggy cũng cho biết ông nhận được một báo cáo về trường hợp một bà già trầu người Sudan gọi điện thoại tới bệnh viện báo cho biết là nếu ở Toronto không cho làm FGM thì bà sẽ dẫn cháu bà qua tận xứ Saudi Arabia để làm điều đó. Bà già gân còn xỉ vả các ông đốc rằng, chỉ những đứa con của những gái điếm và những người đàn bà điên mới không chịu làm FGM, không có FGM thì đứa con gái coi như là đồ...bỏ đi ! Bác sĩ Peggy không nói rõ là cảnh sát có chận bắt được bà già gân này hay chưa.

Thảm nạn “cắt bỏ bông hồng” vẫn còn đang tiếp diễn một cách thầm lặng trên khắp mọi miền đất Phi Châu, ở những nơi có người Phi Châu định cư và không có dấu hiệu nào sẽ ngưng hay giảm bớt. Điều đó còn tùy thuộc vào sự thay đổi quan niệm thỏa mãn tình dục của người đàn ông Phi Châu và sự nhận thức đúng đắn về nhân quyền của người phụ nữ Phi Châu. Có một dạo người ta viện dẫn phong tục người Hồi Giáo để bào chữa, nhưng ta người cũng đã đọc thấy trong Thánh Kinh Koran đã dạy các bậc làm cha mẹ như sau: “Đừng làm thương tổn con cái của các người”. Nếu chiến tranh vẫn còn tiếp diễn, nếu nghèo đói, lạc hậu và áp chế vẫn còn ngự trị trên lục địa hẻo lánh ấy, và nếu người phụ nữ Phi châu không chịu cất tiếng kêu cứu cho chính số phận của họ, thì con cháu họ và những thế hệ trẻ em gái kế tiếp vẫn phải còn cam chịu đánh mất đóa hồng xinh đẹp nhất của mình.

Các thông tin liên quan :

- Con Gái Bị Bố Mẹ Cắt Âm Vật Vì Hủ Tục

Bài viết được sửa bởi LongBeauty - Thứ năm, 16-10-2008, 17:02
 
Diễn Đàn » Tuyên Truyền Viên Đồng Đẳng » Lưu trữ thông tin » Tục Cắt Bỏ “Bông Hồng” Hay Nỗi Đau Thầm Lặng Của Phụ Nữ ? (1 Tập tục lâu đời man rợ ở Châu Phi)
  • Page 1 of 1
  • 1
Search:


Website được tạo bởi CRAZYWOLF © 2024