Trong thực tế, không ít những bậc cha mẹ không có được quan hệ gắn bó về tinh thần đối với con cái, đặc biệt khi con đến lứa tuổi dậy thì. Khi quan hệ thiếu gắn bó thì con rất khó cởi mở, trao đổi và tâm tình với cha mẹ về những cái riêng, cái thầm kín của mình. Đó là khó khăn trở ngại cho việc giáo dục con của cha mẹ. Đối với con ở lứa tuổi nhỏ, đời sống cảm xúc tình cảm của các em phong phú, trong sáng, chủ yếu mang tính tích cực: tin cậy, vâng lời và gắn bó với cha mẹ, thầy cô. Vì vậy, cha mẹ thường không gặp khó khăn trong việc tìm hiểu những suy nghĩ, những vấn đề mà con gặp phải trong sinh hoạt hằng ngày.
Nhưng khi con bước sang lứa tuổi dậy thì với những đặc điểm tâm lý mới như: muốn tự khẳng định mình, tự cho mình là người lớn, thích độc lập với cha mẹ, thích giao tiếp với bạn bè... thì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái dần trở nên thiếu gần gũi, nếu cha mẹ không biết củng cố niềm tin và xây dựng tình bạn nơi con. Lúc này cha mẹ phải trở thành người bạn lớn của con thì mới có thể hy vọng được các em chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc cũng như nỗi niềm riêng tư của mình.
Muốn được con tin yêu và gần gũi như lúc con còn nhỏ, cha mẹ cần luôn quan tâm hỏi han 1 cách thiện chí về học tập, quan hệ và những băn khoăn, thắc mắc của con nảy sinh hằng ngày. Cha mẹ hãy tôn trọng, lắng nghe những suy nghĩ của con và hãy đặt mình vào vị trí của con để hiểu con, để thông cảm và chia sẻ. Từ đó cha mẹ phân tích có tình có lý những cái đúng, cái sai, cái lợi, cái hại trong các hiện tượng mà con quan tâm... Trên cơ sở đó gợi ý, tư vấn cho con chứ không nên áp đặt trong việc lựa chọn cách ứng xử, cách giải quyết các vấn đề cho con mình.
Nếu không quan tâm đến những diễn biến tâm lý và những điều xảy ra với con hàng ngày thì khoảng cách giữa cha mẹ đối với con sẽ ngày càng tăng, do đó ảnh hưởng giáo dục đối với con sẽ giảm sút, đồng thời cha mẹ cũng không thể giúp đỡ được con trong bước đường trưởng thành, trở thành 1 con người có giá trị.