Giáo sư Nguyễn Thu Vân, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết: “Việc nghiên cứu và sản xuất vắc xin chống cúm A/H1N1 của Việt Nam trễ hơn so với thế giới nhưng “về chất lượng thì tương đương”, Sau khi phát hiện ca bệnh cúm A/H5N1 đầu tiên vào tháng 12/2003, Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu phát triển vắc-xin cúm này. Từ kết quả nghiên cứu này, các cơ sở sản xuất đang tìm hiểu tính thích ứng của chủng A/H1N1 với quy trình sản xuất vắc xin A/H5N1.
Việt Nam phải chờ vắc-xin cúm A/H1N1 1,5 năm nữa
Bộ Khoa học - Công nghệ đã phê duyệt hai đề tài nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 với ba công nghệ: hai công nghệ nuôi cấy trên tế bào và một công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi.
Trong đó, quy trình công nghệ sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 trên tế bào thận khỉ đã được nghiệm thu và thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai. Mới đây, vắc xin thành phẩm cúm A/H5N1 hấp thụ đã được sản xuất thành công tại Việt Nam.
Với dịch cúm A/H1N1, mặc dù thuốc Tamiflu là phương pháp điều trị hiệu quả nhưng vấn đề sản xuất vắc xin A/H1N1 luôn được đặt lên hàng đầu. Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Quốc Thắng cho biết, Bộ đã kết hợp Bộ Y tế triển khai nhiều nghiên cứu về thuốc phòng, chống bệnh.
Từ kết quả nghiên cứu sản xuất vắc xin A/H5N1, các cơ sở sản xuất đang tìm hiểu tính thích ứng của chủng A/H1N1 với quy trình sản xuất vắc xin A/H5N1. Nếu thích ứng tốt sẽ triển khai nghiên cứu sản xuất vắc-xin A/H1N1 theo ba công nghệ được sử dụng với vắc xin A/H5N1.
Thực hiện nhiệm vụ này, Viện vắc xin và sinh phẩm Nha Trang đề xuất sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1 trên trứng gà có phôi. Nếu triển khai ngay nghiên cứu này thì vẫn phải thông qua ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Vì vậy, để có vắc xin cúm A/H1N1 dùng cho người cần thời gian nhất định. Giáo sư Nguyễn Thu Vân, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư khẳng định phải năm rưỡi nữa chúng ta mới có vắc-xin phòng cúm A/H1N1 do trong nước sản xuất (bởi sau khi sản xuất được vắc xin, phải có thời gian để thử nghiệm lâm sàng).
Theo giáo sư Vân, nguyên nhân việc sản xuất hai loại vắc xin chống hai loại cúm trên trễ hơn thế giới là do nguồn vốn không nhiều, sơ sở vật chất hạn chế. Nhiều loại vắc xin có trên thế giới từ trước, nhưng hiện nay Việt Nam mới bắt đầu nghiên cứu. Vì chưa xây dựng được chiến lược sản xuất, sử dụng vắc xin nên các nhà khoa học bị động trong việc đề xuất các hướng nghiên cứu.
Tiếp tục nghiên cứu, phát triển nhiều sản phẩm mới
Theo giáo sư Vân, nhiều đề tài nghiên cứu sản xuất vắc xin đã được thực hiện trong nhiều năm qua như vắc xin viêm não Nhật Bản, viêm gan B (chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản); viêm gan A (hợp tác với Hoa Kỳ); tả uống (công nghệ của Thụy Điển); bạch hầu, ho gà, uốn ván (với sự giúp đỡ của UNICEF)…
Nhờ phát huy nội lực và kết hợp chuyển giao công nghệ, nhiều loại vắc xin mới ra đời, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc kiểm soát, phòng chống bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam. Tỷ lệ mắc và tử vong vì các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản đã giảm mạnh. Năm 2002, bệnh bại liệt được điều trị triệt để, dịch tả và thương hàn được khống chế.
Việt Nam đã chủ động tự sản xuất nhiều vắc xin phòng bệnh.
Nhiều sản phẩm có giá trị lớn ra đời trên cơ sở kết quả của đề tài nghiên cứu phát triển vắc xin mới như: sản xuất thành công bộ sinh phẩm chẩn đoán HbsAg Micro-Elisa trong huyết tương người, vắc xin viêm gan B đạt tiêu chuẩn của Nhật Bản và Tổ chức Y tế thế giới (WHO); hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin viêm não Nhật Bản cùng bộ sinh phẩm xác định virus này và sốt Dengue; sản xuất vắc xin tả uống; kháng huyết thanh phòng bệnh dại và vắc xin phòng bệnh thương hàn.
Bộ Khoa học - Công nghệ đã tài trợ, phát triển các kết quả này thành Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước ở quy mô bán công nghiệp.
Dự án nghiên cứu này đã nhận được giải thưởng VIFOTECH năm 1996. Năm 1997, Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành và Chính phủ quyết định đưa các vắc xin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia để tiêm miễn phí cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Từ năm 1997 đến nay, có đến hàng trăm triệu liều vắc xin cung cấp cho Tiêm chủng mở rộng với tổng doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Hiện các cơ sở sản xuất vắc xin trong nước đã được Bộ Khoa học - Công nghệ đầu tư để tiếp tục nghiên cứu, phát triển nhiều loại vắc xin mới.