Ngay từ bé, thanh niên Việt Nam đã không được dạy dỗ cụ thể về các kỹ năng đối đầu với thử thách, kỹ năng giải quyết xung đột, ra quyết định, vượt qua thách thức… Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình phụ nữ và vị thành niên Saga chia sẻ với độc giả về hiện tượng "những cú sốc đầu đời".
Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình phụ nữ và vị thành niên Saga.
Muốn đi tu vì thấy đời xấu xa
Cách đây 9 năm, tôi đã từng nhận điện thoại từ một ông bố gọi điện đến trung tâm và nói rằng cậu con trai muốn đi tu nhưng gia đình không có cách nào thuyết phục cậu từ bỏ ý định.
Hồi học phổ thông rồi đại học, cậu là một HS-SV rất xuất sắc, trong sáng, ít va vấp, sống trong sự bao bọc của cha mẹ.
Ra trường, cậu ta làm ở một công ty XNK, nơi mà hằng ngày cậu tận mắt chứng kiến những cái xấu xa như hối lộ, gian dối, thủ đoạn để kiếm sống và thăng quan tiến chức.
Đó thực sự là một cú sốc và cậu cảm thấy cuộc đời toàn những điều xấu xa.
70% khách hàng gọi đến một số trung tâm tư vấn tâm lý là thanh niên đang vấp phải những cú sốc về công việc, tình yêu, các mối quan hệ xã hội, quan điểm sống…
Cậu chán đời đến mức phải đi tu và kiên quyết không tồn tại trong cuộc đời ô trọc này.
Cái cách chúng ta giữ con cái không tiếp cận với mặt trái của cuộc sống sẽ dẫn đến những điều như vậy.
Mà cuộc đời vô cùng dài, không thể đứng trong chỗ không có thách thức, cám dỗ nào.
Chính việc thiếu hụt nghiêm trọng các kỹ năng sống và sự định hướng sai các giá trị căn bản là nguyên nhân trực tiếp khiến giới trẻ hoang mang khi gặp những cú sốc đầu đời.
Ngay từ bé, thanh niên Việt Nam đã không được dạy dỗ cụ thể về các kỹ năng đối đầu với thử thách, kỹ năng giải quyết xung đột, ra quyết định, vượt qua thách thức…
Vì thế, khi gặp những bước ngoặt thường không biết cách xử lý, dẫn đến cảm xúc tiêu cực: thất bại, tự ti, bất lực, chán nản…
Sự định hướng sai các giá trị căn bản của cuộc sống khiến giới trẻ dễ hoang mang lựa chọn một con đường đúng đắn.
Ví dụ như những học sinh nông thôn khi ra thành phố rất dễ bị choáng ngợp trước lối sống hưởng thụ, thói quen, các mối quan hệ xã hội… của nơi phồn hoa đô thị.
Có những người sẽ tự ti và băn khoăn: tại sao họ sống, ăn mặc, cư xử như thế này mà mình lại không như thế? Một số khác khó chịu, hằn học tại sao lại có những người sướng hơn mình và cha mẹ mình ở nông thôn lại nghèo khổ đến vậy?
Sự lên ngôi của lối sống hưởng thụ càng khiến họ nhầm lẫn về những giá trị sống cơ bản.
Họ cho rằng quần áo đẹp, điện thoại sành điệu, xe cộ sang trọng mới làm người khác tôn trọng và họ bất chấp tất cả để đạt được những giá trị đó.
Điều này lý giải tại sao có nhiều em sinh viên lại trở thành gái mại dâm, vợ hờ, nghiện hút, trộm cắp, làm ăn phi pháp…
Căn bệnh bằng cấp, chạy theo thành tích của người lớn đang “ấn” vào giới trẻ những quan niệm sai lầm. Tại sao việc trượt đại học lại là một cú sốc, một sự sỉ nhục kinh khủng với nhiều bạn trẻ?
Bởi vì, các bạn không được chuẩn bị tinh thần chấp nhận thất bại và cái ý chí coi vấp ngã chỉ là một bước đi rất bình thường trong cuộc đời một con người.
Tâm lý quá coi trọng bằng cấp khiến họ không thể nghĩ được giá trị một người thợ trung thực còn đáng trân trọng hơn nhiều một ông tiến sĩ rởm và gian dối.
Một xã hội nếu biết đặt những giá trị nhân văn lên hàng đầu sẽ không dẫn đến những thất vọng đáng tiếc như vậy.
“Cha mẹ đừng nuôi con trong tháp ngà”
Gia đình, nhà trường, các chính sách nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng.
Tại sao giới trẻ ở các nước phát triển rất tự tin và bản lĩnh khi đối mặt với thử thách và sự đào thải vô cùng khắc nghiệt?
Một đứa trẻ phương Tây khi bị ngã, chúng sẽ phải tự đứng dậy và được nhắc nhớ lần sau tránh đi vào chỗ vấp đó. Đi du lịch cùng người lớn cũng phảt tự xếp hành lý, xách va li, xếp hàng...
Những hành động tưởng nhỏ bé này đã giúp chúng “tôi rèn” tính tự giác, chịu trách nhiệm, chủ động đối mặt với mọi tình huống.
Trong trường phổ thông, chúng cũng được làm quen rất sớm với kỹ năng lập kế hoạch, quản lý thời gian, quản lý tài chính…
Chính phủ cho vay tiền học phí để ràng buộc sinh viên vào nỗi lo của một con nợ, khiến họ có động lực làm việc hăng say, trách nhiệm hơn.
Tôi nhớ một ví dụ về việc dạy con của gia đình cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Ông bà Clinton biết trước khi tham gia vào sàn đấu chính trị, họ sẽ phải chịu rất nhiều áp lực, chỉ trích, thóa mạ, bôi nhọ từ vô số đối thủ.
Với một đứa trẻ thì đó là điều rất khủng khiếp nên họ đã đặt con mình ngồi đó và đóng vai thành những đối thủ chính trị đang “khẩu chiến” như thật. Cô bé đã có lúc phải thét lên vì quá sợ hãi.
Nhưng chính nhờ sự chuẩn bị này, người ta chứng kiến một Chelsea rất vững vàng trước những biến cố của đời sống gia đình.
Đó chính là hiệu quả của việc chuẩn bị cho con cái tinh thần, kỹ năng đối mặt với những thử thách của cuộc sống.
Thanh niên Việt Nam rất thiệt thòi vì không được định hướng những giá trị đúng và kỹ năng vượt qua thách thức từ nhỏ.
Gia đình, nhà trường quá chú trọng vấn đề bằng cấp, kiến thức sách vở mà lơ là giảng dạy các kỹ năng hòa nhập cuộc sống cho học sinh.
Bằng những kiến thức và trải nghiệm của bản thân, tôi muốn nói rằng: các bậc cha mẹ hãy chuẩn bị cho con mình một đời sống tinh thần phong phú chứ không phải một tháp ngà bao bọc bằng sự nuông chiều, áp đặt, sách vở.
Nhà trường cũng thay đổi cách dạy và học bằng cách chú trọng đến việc giảng dạy cho học sinh những kỹ năng đối mặt với cuộc sống.
Với học sinh, sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường các bạn hãy tự trang bị cho mình một đời sống tinh thần phong phú. Đọc sách, xem phim, du lịch, sưu tầm những bài học về kỹ năng sống, tham gia các lớp học về kỹ năng sống… là những biện pháp hiệu quả.
Đi làm thêm sau giờ học cũng là cách để các bạn chạm vào cuộc sống ở tất cả các khía cạnh. Việc tiếp xúc hàng nghìn người trong những tình huống khác nhau sẽ giúp bạn học cách vượt qua thử thách của đời sống được dễ dàng hơn.
Sơn Khê (ghi)
Một số lớp học về kỹ năng sống
+ Nghệ thuật sống hạnh phúc và thành đạt
+ Thuyết trình và thuyết phục nâng cao
+ Tư duy và hiệu quả sáng tạo
+ Phương pháp giải quyết mâu thuẫn
+ Tư duy tích cực
+ “Vấp ngã - đứng dậy - đi tiếp”
+ Nghệ thuật xây dựng các mối quan hệ
+ Hưỡng dẫn chỉ số EQ
+ Kỹ năng quản lý bản thân
+ Kỹ năng chuẩn bị đời sống tiền hôn nhân
+ Kỹ năng làm dâu