VnMedia) - Bộ Y tế khuyến cáo các trường học cần chủ động thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A(H1N1), phối hợp với các cơ quan y tế trên địa bàn nhanh chóng xây dựng kế hoạch phòng chống dịch vì ngày khai giảng đã cận kề. Các trường cần thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, nếu trường nào chưa lập ban chỉ đạo phòng chống cúm sẽ không được phép khai giảng. Đặc biệt, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng và Môi trường, sau 4 ngày học sinh cả nước tựu trường, số ca nhiễm cúm A/H1N1 trong trường học đã tăng lên đáng kể. Chỉ riêng tại TP.HCM đã có tới 10 ổ dịch là các trường học. Từ 17/8 đến 20/8, TP.HCM đã có thêm tới 6 trường học ghi nhận học sinh nhiễm cúm A/H1N1. Bình Định là địa phương mới nhất ghi nhận có người nhiễm cúm, tất cả đều là học sinh.
Tại Hải Phòng, một trường chọ cũng đã phải đóng cửa vì cúm A(H1N1). Đó là trường Trung học Phổ thông An Dương, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Trường đã tạm quyết định cho học sinh nghỉ học và đóng cửa trường sau khi 3 học sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H1N1).
Theo Bộ Y tế cho biết, hôm qua (21/8) là ngày có số bệnh nhân nhiễm cúm A(H1N1) cao nhất kể từ khi xuất hiện dịch tại Việt Nam đến nay, với 104 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1), tại trên 30 tỉnh, thành trcng cả nước. Trong đó, khu vực miền Bắc có số bệnh nhân đông nhất: 49 ca. Các khu vực còn lại không có đột biến: miền Nam: 37 ca, miền Trung: 15 ca, Tây Nguyên: 3 ca.
Tính đến 17h ngày 21/8, Việt Nam đã ghi nhận 1847 trường hợp dương tính, 2 ca tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi ra viện là 1184 người, 661 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Bộ Y tế cho biết, hiện nay, các cơ sở của ngành y tế vẫn đáp ứng được yêu cầu điều trị cho bệnh nhân nhiễm cúm A(H1N1). Do đó, Bộ Y tế chưa khuyến cáo người dân điều trị tại nhà như một số nước trên thế giới đã thực hiện.
Hầu hết các ca cúm A(H1N1) ở nước ta hiện nay là nhẹ và có thể cách ly, điều trị tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện. Người dân nên đến khám và điều trị tại cơ sở y tế gần nhất, những trường hợp nặng, cơ sở y tế tuyến dưới sẽ chuyển lên tuyến trên điều trị.
Tại những cơ sở chưa thể tiến hành xét nghiệm, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc kháng vi rút trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng kết hợp với các yếu tố lây nhiễm cúm A(H1N1); trong trường hợp nghi ngờ không rõ nguồn lây, có thể hội chẩn để ra quyết định điều trị bằng thuốc kháng vi rút.