Chiều ngày (10.8), Sở Y tế TP.HCM đã họp Ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H1N1 trong tình hình dịch có những chuyển biến mới. Sau ổ bệnh của các công nhân Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Hoàng Sở, BS Nguyễn Văn Châu, Gíam đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định và cảnh báo nguy cơ cúm bắt đầu lây lan ở những nơi tập trung đông người, khu dân cư mà không xác định được nguồn lây.
Nỗi lo ở các khu chế xuất, khu công nghiệp
Như vậy, với nhận định trên, TP.HCM sẽ tập trung chú ý phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu nhà trọ cũng như các bến xe. Đặc biệt, sẽ triển khai công tác tuyên truyền phòng chống cúm ngay trên hệ thống xe buýt của toàn thành phố.
Sở Y tế cũng nhắc nhở các bệnh viện phải cách ly người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1 ngay từ khi quyết định lấy mẫu xét nghiệm, chứ không chờ đến khi có kết quả xét nghiệm dương tính mới cách ly bệnh nhân.
Hiện nay, việc xét nghiệm cúm A/H1N1 vẫn được thực hiện với những ca nhỏ lẻ. Riêng trường hợp chùm ca bệnh và ổ dịch lớn thì có thể cách ly điều trị ngay, không cần xét nghiệm, nhằm điều trị sớm cho bệnh nhân, không mất thời gian chờ xét nghiệm.
Sở Y tế TP.HCM cũng cho phép điều trị cúm A/H1N1 tại nhà đối với các trường hợp nhiễm bệnh đạt đủ bốn tiêu chuẩn: bệnh nhẹ, không nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ, có điều kiện cơ sở tốt trong việc cách ly và có y tế địa phương kiểm tra 2 lần/ngày.
Qua trường hợp các nhân viên y tế tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) nhiễm bệnh, lãnh đạo ngành y tế thành phố nhắc nhở các cơ sở y tế phải nghiêm ngặt trong phòng chống dịch bệnh cho nhân viên y tế. Các bệnh viện, cơ sở y tế phải có đầy đủ xà phòng, nước diệt khuẩn tại khu vực rửa tay công cộng ở bệnh viện.
Theo thống kê cộng dồn, tính đến nay, TP.HCM có 473 ca nhiễm cúm A/H1N1, hiện còn khoảng 100 ca đang được lưu lại điều trị (khoảng 40 ca đang nằm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới), còn lại đã khỏi bệnh và ra viện.
Phát hiện nhà thuốc bán tamiflu không đúng quy định
Trong ngày 10.8, Sở Y tế TP.HCM đã có đoàn kiểm tra hơn 20 nhà thuốc trên địa bàn thành phố. Qua đó, đoàn phát hiện ba nhà thuốc bán tamiflu không đúng quy định. Đó là nhà thuốc Mỹ Châu 1, Mỹ Châu 10 và nhà thuốc Thanh Quang (cả ba đều nằm trên đường Hai Bà Trưng). Tại đây, giá một hộp thuốc (10 viên)tamiflu được đẩy lên đến 1,4 triệu đồng (nhà thuốc Mỹ Châu) và 1,5 triệu (nhà thuốc Thanh Quang).
Một tuần trước đây, giá tamiflu tại một số nhà thuốc trên thị trường ở khoảng 80.000 đồng/viên (tức 800.000 đồng/hộp). Lợi dụng dịch cúm lan rộng, các nhà thuốc đang tự động bán tamiflu trái quy định và tự ý đẩy giá thuốc lên cao.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, giá một hộp thuốc tamiflu (10 viên/hộp) được nhà cung cấp đưa ra khoảng 448.000 đồng/hộp. Hiện nay, việc điều trị cúm A/H1N1 và sử dụng thuốc tamiflu cho các ca bệnh hoàn toàn miễn phí. Ngành y tế cũng không cho phép bày bán tamiflu trên thị trường và sử dụng tamiflu mà không có chỉ định của bác sĩ.
Sở Y tế TP.HCM đang kiểm tra nguồn gốc của những lô thuốc tamiflu trên và lo ngại về chất lượng của thuốc đang được bày bán trên thị trường. Sở sẽ có biện pháp xử lý với các nhà thuốc vi phạm trong việc bán lẻ thuốc tamiflu cho người dân.
Bà Lan giải thích thêm, hiện nay chỉ có tập đoàn Roche là nhà sản xuất thuốc tamiflu và phân phối tại Việt Nam thông qua Công ty Vimedimex. Cả Roche và Vimedimex đều khẳng định và cam đoan rằng ngoài Sở Y tế, họ chỉ cung cấp thuốc cho các bệnh viện, phòng khám đa khoa (có bác sĩ điều trị và chỉ định thuốc cho bệnh nhân) và một số công ty mua thuốc dự phòng cho nhân viên (bán có hóa đơn và các công ty này không được cung cấp thuốc ra ngoài thị trường).
Vì thế, bà Lan không loại trừ khả năng lượng thuốc tamiflu được bán ngoài thị trường, tại các nhà thuốc là hàng xách tay, phi mậu dịch vi phạm pháp luật.
Sở Y tế khuyến cáo người dân không tự ý mua và sử dụng tamiflu. Vì nếu lạm dụng thuốc có thể sẽ dẫn đến tình trạng khám thuốc, vô cùng nguy hiểm cho việc điều trị và phòng chống cúm A/H1N1.
Hiện nay, Sở Y tế TP.HCM còn khoảng 40.000 viên tamiflu. Trong tình hình phác đồ điều trị cúm A/H1N1 đã thay đổi, điều trị 5 ngày (thay vì 7 ngày như trước đây) và không dùng tamiflu để điều trị dự phòng, ngành y tế hoàn toàn đảm bảo nguồn thuốc điều trị cho bệnh nhân.
Trong trường hợp cúm lan rộng, Roche sẽ nhượng quyền cho một số công ty trong nước sản xuất tamiflu để phục vụ việc điều trị bệnh. Vì thế người dân không phải lo ngại về việc thiếu thuốc điều trị.
Tăng cường phòng cúm mùa khai trường
Cũng trong chiều nay, Sở Y tế TP.HCM đã ký hợp đồng mua thuốc diệt khuẩn cloramine B và sẽ tạm ứng 10 tấn cho Sở GD-ĐT TP.HCM để đưa về các trường học làm vệ sinh, sát khuẩn trước mùa khai trường.
Sở Y tế TP.HCM cũng đưa ra đề nghị quy định việc vệ sinh sát khuẩn trong trường học 1 lần/tuần. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Châu khẳng định không cần thiết cứ phải đo thân nhiệt học sinh. Tuy nhiên, từng giáo viên, cán bộ - công nhân viên nhà trường phải kiểm soát và nắm vững tình hình sức khỏe của mỗi học sinh. Ngành y tế và giáo dục phải đảm bảo 100% giáo viên, cán bộ - công nhân viên trong nhà trường đều được tập huấn và nắm vững kiến thức phòng chống cúm A/H1N1.
BACSI.com (Theo TNO)