Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn khi có nhiều câu hỏi đặt ra về thời gian vắc-xin cúm A/H1N1 ra đời, số lượng là bao nhiêu và các đối tượng nào được ưu tiên trong sử dụng.
Đề xuất dự trù 5 triệu liều vắc-xin
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Hiện nay, trên thế giới chưa có công ty nào sản xuất và đưa vắc-xin cúm A/H1N1 ra thị trường. Các công ty công bố tháng 9 năm nay sẽ có vắc-xin, nhưng chưa thể khẳng định về tính an toàn, tính hiệu quả và liều lượng tiêm như thế nào là hợp lý, bao giờ có thể thực sự sử dụng đối với con người”.
Nghiên cứu và sản xuất vắc-xin tại Việt Nam (Ảnh: VNN)
Ngoài ra, ông Hiển cho biết có một yếu tố nữa làm chậm lại quá trình sản xuất và cung ứng vắc-xin cúm A/H1N1 là năng suất sản xuất vắc-xin cúm này thấp hơn cúm mùa thông thường, vì quá trình sản xuất đòi hỏi thời gian dài hơn.
Trong buổi làm việc của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc-xin với lãnh đạo Bộ Y tế chiều 3/8 vừa qua, ông Hiển cho biết, Hội đồng này đã đề nghị Bộ Y tế nên chuẩn bị một cơ số vắc-xin nhất định để tiêm trước cho các đối tượng có nguy cơ cao (những người mắc bệnh dễ có biến chứng như mãn tính, suy giảm miễn dịch, tiểu đường, tim phổi…).
“Chúng ta có thể đặt mua trước hoặc liên hệ để nhập bán thành phẩm. Các công ty của Việt Nam có dây chuyền để đóng bán thành phẩm, có thể hạ giá thành”, ông Hiển nói.
Ngoài ra, theo ý kiến của ông Hiển, có thể xã hội hoá việc tiêm vắc-xin để những người có tiền, có nhu cầu có thể sử dụng dịch vụ này, giảm gánh nặng về nhu cầu vắc-xin của cộng đồng.
Tổ chức chiến dịch lớn tiêm vắc-xin cúm A/H1N1 không dễ
Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn lo lắng: “Vắc-xin chắc chắn không thể ra trước tháng 9 năm nay được. Nhiều công ty đã chào hàng nhưng họ cũng nói phải thử nghiệm lâm sàng, thực địa khá lâu”.
Ngoài ra, nếu dự trù được 5 triệu liều vắc-xin trong thời gian tới thì việc tổ chức một chiến dịch tiêm vắc-xin lớn như vậy là điều không đơn giản.
“Mỗi liều vắc-xin sẽ có 2 mũi, mỗi mũi cách nhau một tháng. Như vậy sẽ có 10 triệu mũi tiêm, không dễ tổ chức chút nào”, Thứ trưởng Huấn nói.
Để có thể thực hiện những kế hoạch dự trù này, ông Huấn đã giao Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) lên kế hoạch cụ thể về sử dụng vắc-xin từ nay đến hết mùa đông năm 2009, 2010.
Đồng thời, Cục Y tế dự phòng cần xem xét sẽ ưu tiên sử dụng vắc-xin cho đối tượng nào: nhóm có nguy cơ cao (như PGS.TS Hiển nói) hay những người làm trong ngành y tế, trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân (như khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới).
Quá tải người đến khám, xét nghiệm cúm A/H1N1
Ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia cho biết: “Hiện mỗi ngày có từ 300 đế 350 người đến Viện chỉ để khám xem có nhiễm cúm A/H1N1 hay không, chưa kể những người đến khám vì các bệnh khác”.
Điểm đáng chú ý là trong số hơn 300 người đến khám trong một ngày, không phải người nào cũng dương tính với cúm A/H1N1. Có những người chỉ bị cúm thông thường.
“Để phát hiện có nhiễm cúm hay không cần xét nghiệm mẫu bệnh phẩm. Tuy nhiên, viện chúng tôi chỉ có 2 máy làm xét nghiệm này, không tải nổi hơn 300 mẫu/ngày. Đó là chưa kể đến những người đã dương tính đang nằm trong viện chúng tôi vẫn phải tiếp tục xét nghiệm sau khi điều trị”, ông Kính cho biết.
Thậm chí, có người sẵn sàng trả tiền để được xét nghiệm nhanh, giá không hề rẻ: 200 USD/lần. “Nhưng chúng tôi cũng không thể đáp ứng được nhu cầu này”, ông Kính nói.
Theo ông Kính, những triệu chứng của cúm mùa thông thường và cúm A/H1N1 tương đối giống nhau. Người dân cẩn thận không thừa nhưng nên nghĩ đến cúm A/H1N1 nếu có các biểu hiện ho long đờm, sốt, rát họng, tiêu chảy nhưng trước đó có đi từ vùng dịch về hoặc tiếp xúc với người bệnh hoặc sống tại nơi đang có dịch.